Uống trà từ lâu đã trở thành thói quen hàng ngày của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Mời trà khách đến nhà đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu từ xưa đến nay. Uống trà trải qua thời gian được nâng tầm lên thành nghệ thuật thưởng trà tinh tế. Thưởng trà không chỉ để thưởng thức hương vị trà mà còn để cảm nhận cả những giá trị sâu sắc.
Văn hóa trà Việt giản dị, gần gũi nhưng vẫn toát lên vẻ tinh tế, thanh cao. Tuy không cầu kỳ như trà đạo, nhưng văn hóa trà Việt cũng có những nguyên tắc riêng, mang đậm giá trị truyền thống.
Những nguyên tắc nhỏ khi mời trà tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những giá trị đạo lý to lớn.
Rượu đầy, trà vơi
Cổ ngữ nói: “Tửu mãn kính nhân, trà mãn khi nhân”, ý nói mời khách chén rượu đầy là thể hiện sự kính trọng nhưng mời khách chén trà đầy là thể hiện sự coi thường khách. Nhưng như thế nào là vơi? Trong dân gian có câu: “Trà bảy phần đầy”, hay “Châm trà chỉ đầy bảy phần, lưu lại ba phần là nhân tình.”
Vậy vì sao có nguyên tắc “rượu đầy, trà vơi”? Bởi vì trà nóng còn rượu thường lạnh. Cho nên, nếu chén rượu đầy, người khách cầm lên cũng sẽ không bị nóng tay. Nhưng chén trà đầy không chỉ khiến khách nóng tay mà đôi khi còn vì không cẩn thận làm rớt trà lên người sẽ khiến khách cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra chén trà đầy sẽ khiến nhiệt độ của trà khó hạ xuống làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ hương vị trà.
Trên trước dưới sau
Trong lễ nghi tiếp đãi khách nói chung, người xưa sẽ tiếp đãi theo thứ tự người bề trên được mời trước, người bên dưới mời sau, mời trà người già trước, mời người trẻ sau. Đây cũng là thể hiện văn hóa tôn kính người bề trên của cổ nhân.
Nếu khi uống trà, mọi người đều cùng tuổi, cùng thế hệ với nhau thì có thể không cần theo thứ tự này. Đối với lần châm trà lần thứ hai cũng có thể bỏ qua thứ tự này.
Khách trước chủ sau, có khách mới phải thay trà
Khi mời trà khách, chủ nhân phải đợi cho tất cả khách đều phẩm trà trước rồi mới đến lượt mình. Đây là thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà đối với khách.
Nếu trong quá trình uống trà, có người khách mới đến, chủ nhân phải kịp thời thay trà mới để thể hiện sự chào đón, hoan nghênh của mình đối với khách. Đồng thời, để thể hiện thành ý của mình, chủ nhân có thể hỏi thêm khách về thói quen uống trà và nhiệt tình mời khách ngồi. Nếu không kịp thời thay trà sẽ khiến khách có cảm giác bị khinh khi, không chào đón.
Ngoài ra, khi trà chuyển từ đặc sang loãng, nhạt thì chủ nhân cũng phải thay trà. Nếu không kịp thời thay trà, nước trà đã trong, không còn màu sắc thì thể hiện người chủ lạnh nhạt, không tận nghĩa với khách. Đây cũng được coi là hành vi vô lễ, không nghiêm túc.
Giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa
Chủ nhà mời khách thưởng trà phải luôn giữ thái độ vui vẻ, ôn hòa. Làm người khách mà nói cũng không được thất lễ, khi nhận được trà từ chủ nhân mời phải nói câu “cảm ơn”, hoặc mỉm cười để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người chủ.
Trong quá trình uống trà cũng kiêng kỵ thể hiện vẻ mặt bất nhã như nhíu mày, nhăn mặt… Vì điều đó có thể khiến chủ nhà hiểu là khách không thích, chán ghét loại trà đó. Nếu cảm thấy không thoải mái khi phẩm trà, người khách có thể đặt chén trà xuống bàn không thưởng thức nữa thì người chủ sẽ tự động hiểu.
Từ những lễ nghi nhỏ này chúng ta có thể thấy uống trà tuy là một việc rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng những lễ nghi tất yếu này vẫn là không thể thiếu được. Một người hiểu biết lễ nghi sẽ không dễ mắc sai sót, và từ những lễ nghi nhỏ đó cũng sẽ hiển lộ ra trình độ phẩm cách, sự tu dưỡng của người ấy.
(Theo An Hòa – trithucvn.org)
Đọc thêm:
-
Cây trà Shan tuyết cổ thụ – “Vàng xanh” từ vùng núi cao Tây Bắc
-
Sự thật về Trà Shan tuyết cổ thụ trứ danh vùng Tây Bắc
-
Bát Đại Shan – Hương trầm rừng Trà cổ thụ
-
Trà biếu Tết – Quà tặng tinh tế, xứng tầm đẳng cấp
-
Thưởng trà – Sự giao thoa tinh tế giữa văn hóa truyền thống và nét đẹp hiện đại
-
Tết này đi đâu để tìm được quà tặng tết ý nghĩa từ tuyệt phẩm Trà cổ?