Việc bảo quản trà đúng cách là vô cùng quan trọng, vì trà bảo quản không tốt sẽ bị giảm chất lượng nhanh chóng, thậm chí có thể tích tụ các tạp chất vừa làm thay đổi hương vị và cũng có thể gây hại cho cơ thể. Do đó, cần lưu trữ đúng cách để trà vẫn sạch và giữ hương vị nhất có thể.
Các yếu tố chính tác động xấu đến chất lượng trà
Nếu không được bảo quản đúng cách, ngay cả loại trà tốt nhất cũng sẽ dễ bị hư hỏng, biến thành màu sẫm, mùi vị cũ, thậm chí là nấm mốc, nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi các chất trong trà.
Nếu trà tiếp xúc với nhiệt độ cao, độ ẩm và ánh sáng mặt trời, các thành phần trong trà sẽ đẩy nhanh quá trình biến đổi, làm hỏng trà trong một thời gian ngắn.
Các tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng trà bao gồm: Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, oxy, vi sinh vật, môi trường.
Những nguyên tắc khi bảo quản trà
- Bảo quản trà trong môi trường khô ráo: Không lưu trữ trà ở những nơi có độ ẩm cao, bởi độ ẩm làm giảm đáng kể tuổi thọ của trà và gây nấm mốc.
- Tránh những mùi mạnh: Trà hấp thụ mùi của bất cứ thứ gì gần chúng, đó là lý do không nên bảo quản trà trong tủ bếp, tủ gia vị,…
- Tránh ánh sáng: Ánh sáng mặt trời tạo ra nhiệt, làm thay đổi hương vị của trà. Hãy đựng trong hộp/túi kín, không xuyên sáng. Nếu đựng trà trong hũ thủy tinh thì nên chọn hũ sẫm màu, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào và chỉ nên để trong thời gian ngắn.
Cách bảo quản các loại trà khác nhau
Cách bảo quản trà xanh (lục trà)
So với các loại trà khác, trà xanh dễ bị oxy hóa, dễ bị mất màu nguyên bản và mùi thơm tự nhiên nhất, đặc biệt đối với các loại trà xanh có nhiều mùi thơm.
Lục trà nên bảo quản ở nhiệt độ thấp và đựng trong hộp/túi kín. Trong quá trình bảo quản, cần lưu ý: không lưu trữ thực phẩm mang quá nhiều mùi với trà xanh. Phương pháp trên cũng có thể áp dụng để bảo quản trà vàng (Hoàng Trà), do loại trà này có cách chế biến gần với trà xanh.
Các vật chứa tốt nhất: túi nhôm, hộp kim loại.
Cách bảo quản bạch trà
Bạch trà là trà lên men nhẹ. Bởi trải qua quá trình làm khô tự nhiên nên độ ẩm trong trà vẫn được giữ lại một phần. Bạch trà được lưu trữ lâu sẽ có màu nước đậm hơn, hương vị cũng ngọt và mượt hơn.
Bạch trà chỉ nên lấy ra một lượng đủ để sử dụng, còn lại cần được bảo quản kín, tránh tiếp xúc nhiều với không khí.
Bạch trà lưu trữ càng lâu sẽ càng có giá trị.
Cách bảo quản trà ô long
Ô long thuộc dòng trà bán lên men. Trà ô long không sấy hoặc sấy nhẹ nên được bảo quản ở nhiệt độ thấp để duy trì hương vị ban đầu. Còn trà ô long sấy hoặc trà ô long có độ lên men cao thì có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Hộp thiếc, hộp sắt, hũ sứ đều có thể dùng để bảo quản trà ô long. Hộp trà cần phải được đổ đầy, để giảm quá trình oxy hóa.
Cách bảo quản hồng trà
Hồng trà có hàm lượng nước thấp, có thể lưu trữ trong thời gian dài miễn là tránh các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ cao và mùi. Trong quá trình bảo quản, các loại trà khác nhau không nên được lưu trữ cùng nhau.
Cách bảo quản trà Phổ Nhĩ
Phổ Nhĩ là loại trà lên men, nên được lưu trữ trong môi trường thông thoáng, khô ráo và tránh mùi. Có thể bọc bánh trà trong gói giấy kraft (giấy xi măng) hoặc giấy cotton có khả năng thấm khí tốt.
Trà Phổ Nhĩ bảo quản đúng cách càng để lâu càng giá trị.
Đọc thêm:
-
Trải nghiệm không gian thưởng trà sang trọng và tinh tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
-
Các dòng trà trung thu cao cấp tại Điểm trà 37
-
Thưởng thức trà ngon một cách trọn vẹn
-
Trà túi lọc là gì? Những loại trà túi lọc ngon
-
Giá trị quý báu của Sâm Ngọc Linh – “Quốc bảo Việt Nam”
-
Bát Đại Shan – Hương trầm rừng Trà cổ thụ