Nghệ thuật thưởng trà của người Việt giản dị và tinh tế. Trà Việt mang hương vị riêng biệt và người Việt cũng thưởng trà theo cách riêng. Nói mộc mạc cũng đúng, nói tinh tế cũng đúng, bởi chuyện thưởng trà khi bình dị như một thói quen thường nhật, khi lại cầu kỳ và được nâng lên thành nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt.
Thưởng trà khác với uống trà thông thường
Trong cuộc sống thường ngày, con người bị cuốn theo guồng quay vội vã của cuộc sống. Chúng ta luôn ở trong trạng thái hối hả, ít khi có thể bình tâm tĩnh lặng. Bởi vậy, nhiều người chỉ đang coi trà như một công cụ giải khát không hơn không kém.
Nhiều người uống trà mà vẫn giữ thói quen như uống những cốc trà đá vỉa hè. Cầm chén trà trên tay, không biết mùi hương của nó, không nhìn màu sắc của trà mà đã uống một ngụm lớn, sau cùng vẫn không lưu lại được gì ngoài cảm giác thỏa mãn sau cơn khát.
Có nhiều ấm trà pha vội, cũng có nhiều tách trà uống chẳng kịp thẩm vị. Nghệ thuật thưởng trà cần sự tỉ mỉ và tinh tế chứ không hướng con người đến cách uống trà như vậy.
Nghệ thuật thưởng trà tinh tế trong văn hóa trà Việt
Văn hóa uống trà đã xuất hiện lâu đời trong lịch sử Việt Nam từ hình ảnh quán nước cây đa đầu làng với ấm trà xanh, phong kẹo lạc, điếu thuốc lào cho đến chén trà mời khách trong mỗi gia đình Việt. Nơi cung đình quyền quý, các bậc vua, chúa lại thưởng trà theo những cách cầu kỳ, hoa lệ. Trà cung đình được ướp hương, nước pha phải là nước sương sớm hay nước đầu nguồn. Còn ở chốn thiền môn, người ta uống trà để tĩnh tâm.
Người Việt thưởng trà chú trọng đến hương và vị
Cách thưởng thức trà của người Việt mang những nét đặc sắc riêng: trước khi uống thường đưa chén trà qua mũi để thẩm hương, rồi nhấp ngụm nhỏ cảm nhận vị chát của trà, sau đó chuyển dần sang vị ngọt dịu.
Người Việt thưởng trà không quá cầu kỳ trong lễ nghi nhưng lại cực kỳ chú trọng về hương vị. Với người Việt, vị ngon trong lá trà, búp trà đến từ bản thân cây trà và cả từ cái tinh hoa nó hấp thụ từ đất trời. Người Việt luôn luôn gìn giữ, chăm chút từng lá trà, kỳ công trong việc đun nước, chuẩn bị trà cụ, giữ nóng ấm trà… để tạo ra ấm trà thơm ngon, tuyệt hảo nhất.
Ở lần nước đầu tiên, ta thẩm hương của trà. Cầm chén trà trên tay, đừng uống một cách vội vàng mà hãy cảm nhận hương thơm nhè nhẹ lan tỏa quanh miệng chén. Hương thơm của trà tùy vào từng loại sẽ cho người thưởng cảm nhận được những đặc trưng khác nhau. Nhiều khi nó cũng hé lộ được đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất trồng trà.
Đến lần nước thứ hai, người ta sẽ chú ý đến vị của trà. Nhấp một ngụm trà, vị lan tỏa trong miệng, ta như được nếm cả vị thanh khiết của đất trời.
Ở lần nước thứ ba, đây cũng là khi mà người thưởng trà cảm nhận sự hòa quyện của cả hương và vị.
Nghệ thuật thưởng trà Việt mang những nét riêng
Nghệ thuật thưởng trà của người Việt dẫu không tuân theo một chuẩn mực nào nhưng vẫn toát lên vẻ thanh cao và tinh tế. Việt Nam không có trà đạo; văn hóa uống trà trải qua thăng trầm của thời gian, vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị quý báu và trở thành nghệ thuật mang tính truyền thống.
Đối với người Việt, trà có đầy đủ giá trị vật chất, tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống hàng ngày, trải qua thời gian trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt. Trà có đời sống riêng, có những câu chuyện từ trà mà có, có những chân lý nhờ trà mà tìm ra. Để hiểu được “người bạn” trà này cũng như hiểu chính bản thân, nghệ thuật thưởng trà là chất dẫn hữu hiệu cho người thưởng trà. Đừng uống trà trong vội vã mà hãy tỉ mỉ, trân quý coi nó như một tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là bản chất của nghệ thuật thưởng trà.
Đọc thêm:
-
Trà Shan Tuyết – quà Trung Thu cho đối tác đẳng cấp, ý nghĩa
-
Trà Phổ Nhĩ và tác dụng giải rượu hiệu quả
-
Cách pha trà Shan Tuyết cổ thụ để tận hưởng trọn vẹn hương vị tinh túy
-
Chén trà cổ thụ Bát Đại Shan ấm nóng cho ngày đông lạnh giá
-
Trà Shan tuyết cổ thụ – Món quà đến từ thiên nhiên
-
Xu hướng quà tặng Tết 2021 và lưu ý khi tặng nhân viên