Đối với những người sành trà, hẳn đã nghe đến cái tên Trà Shan tuyết trứ danh. Đây là dòng trà cổ thụ có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc Việt Nam, mang đến nhiều giá trị, cả về hương vị, chất lượng và những dược tính quý báu.
Trà Shan tuyết cổ thụ là gì?
Chữ “Shan” trong phiên âm Hán Việt là “Sơn”; có nghĩa là núi. Shan tuyết là núi tuyết. Trà Shan tuyết thuộc dòng trà cổ thụ. Trà có búp to màu trắng xám, dưới lá trà có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng như tuyết. Đó là cơ chế tự bảo vệ của búp trà để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi vừa phải cắm sâu rễ vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây, vừa phải chống chọi với cái lạnh, với mây mù bao phủ quanh năm. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đã tạo cho Trà chất lượng hảo hạng.
Trà Shan tuyết được trồng ở đâu?
Vùng Tây Bắc Việt Nam là một trong những cái nôi sản sinh ra những cây trà của thế giới. Đây là thứ lộc mà đất trời ban cho, là loại cây mọc hoang từ hàng nghìn năm trước ở vùng núi phía Tây Bắc – Việt Nam.
Những cây trà Shan tuyết cổ thụ chỉ sống tại các vùng núi cao thuộc Tây Bắc như: Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La),… Những nơi này có độ cao trung bình trên 1400m, có nơi cao trên 2100m so với mực nước biển, khí hậu lạnh giá quanh năm.
Phân loại trà Shan tuyết
Trà Shan tuyết cổ thụ được phân loại dựa trên phương pháp thu hái hoặc phương pháp chế biến.
Phân loại theo phương pháp thu hái
Trà Shan tuyết 1 tôm: Là loại trà thượng hạng chỉ hái duy nhất phần búp trà.
Trà Shan tuyết 1 tôm 1 lá: Là loại trà hái phần búp và một lá trà.
Trà Shan tuyết 1 tôm 2 lá: loại trà hái phần búp và hai lá trà.
Trà ngon nhất là trà được hái vào lúc sáng sớm, khi hơi sương vẫn còn đọng lại trên búp lá, chỉ có như vậy, nước trà mới lưu lại được trọn vẹn hương vị thanh mát mà sâu lắng khó quên.
Phân loại theo phương pháp chế biến
Phân loại theo phương pháp chế biến, Trà Shan tuyết cổ thụ gồm 4 loại: Lục trà Shan tuyết, Hồng trà Shan tuyết, Bạch trà Shan tuyết và Hoàng Trà Shan Tuyết.
Lục trà Shan tuyết
Lục trà hay còn gọi là trà xanh, là loại trà phổ biến nhất với người Việt. Do không trải qua quá trình oxy hóa nên nước trà có màu vàng óng với hương thơm lúa mới ngọt ngào, lắng đọng dư vị thời gian.
Hồng trà Shan tuyết
Hồng trà Shan tuyết được chế biến từ những búp trà Shan tuyết non, trải qua quá trình oxy hóa hoàn toàn mang đến hương vị trà thượng hạng.
Hồng trà Shan tuyết cho sắc nước màu hổ phách hoặc nâu đỏ bắt mắt, vị ngọt nhẹ, ít chát, pha được rất bền nước.
Bạch trà Shan tuyết
Bạch trà Shan tuyết được chế biến từ những búp trà còn nguyên lớp lông tơ trắng muốt qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng. Bạch trà chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và là loại trà có lợi cho sức khỏe nhất.
Bạch trà Shan tuyết khi pha cho sắc nước trắng, trong, hương vị thanh mát, vị chát dịu, ngọt hậu sâu.
Hoàng trà Shan tuyết
Hoàng trà hay còn gọi là trà vàng với quy trình chế biến vô cùng phức tạp và kỳ công.
Hoàng trà cho sắc nước vàng sóng sánh như mật ong. Mùi hương thanh mát, phảng phất mùi gỗ thông độc đáo.
Quy trình chế biến trà Shan tuyết
Quy trình chế biến trà Shan tuyết gói gọn trong 4 bước: làm héo, vò, lên men và xao khô.
Công đoạn làm héo trà
Sau khi thu hoạch những búp trà Shan tuyết từ những cây trà cổ thụ, lá trà sẽ phải trải qua giai đoạn làm héo. Mục đích của giai đoạn này làm giảm lượng nước có trong lá trà. Khi lượng nước giảm thì hàm lượng chất khô đậm đặc hơn, tạo điều kiện cho các phản ứng hóa học diễn ra dễ dàng. Ngoài ra, lá trà dẻo dai hơn nên khi trải qua quá trình vò sẽ ít bị dập nát.
Công đoạn vò trà
Lá trà được vò nhẹ để làm rách các tầng biểu bì, giải phóng các hợp chất để quá trình oxy hóa diễn ra thuận lợi, trà được lên men tốt hơn. Bước vò này giúp hợp chất trong trà dễ hòa tan vào trong nước. Ngoài ra, vò còn giúp định hình hình dáng lá trà đồng thời tác động lên hương vị trà sau khi chế biến.
Công đoạn lên men
Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình chế biến trà Shan tuyết. Lúc này, quá trình oxy hóa diễn ra, làm biến đổi các thành phần hóa học, tạo ra màu sắc, mùi vị, ngoại hình đặc trưng của lá trà. Để đảm bảo chất lượng thành phẩm, phòng lên men phải duy trì nhiệt độ trong giới hạn từ 24 – 26oC và độ ẩm không khí là 95 – 98%.
Công đoạn xao khô
Công đoạn cuối cùng của chế biến trà Shan tuyết là xao khô để lá trà ngừng lên men. Lá trà vừa được xao, vừa tiếp tục được vò để định hình lá trà. Lúc này hồng trà Shan tuyết đã được thành phẩm.
Một số vùng trà còn đưa lá trà thành phẩm đi hun khói. Việc này giúp tạo nên hương vị khói riêng của trà Shan tuyết, đồng thời giúp bảo quản trà được lâu hơn.
Cách pha trà Shan tuyết cổ thụ
Bước 1: Tráng sạch ấm và chén bằng nước sôi trước khi pha. Đặc biệt, đối với ấm trà nên tráng toàn bộ cả nắp và thân ấm. Đây là một bước vô cùng quan trọng trong cách pha trà Shan tuyết.
Bước 2: Cho một lượng trà từ 5gr đến 10gr vào ấm có thể tích 150ml.
Khi cho trà vào ấm, người thưởng trà bắt đầu cảm nhận được hương thơm đặc trưng của lá trà do hơi nóng từ ấm bốc lên mang theo vị trà. Trà ngon sẽ cho hương thơm thanh mát, tự nhiên.
Bước 3: Tráng trà. Đây là một công đoạn nhỏ và đơn giản trong cách pha trà Shan tuyết, tuy nhiên cũng cần lưu ý một vào quy tắc. Nước tráng trà không cần quá sôi; Lượng nước vừa đủ, xâm xấp; Lắc ấm vài vòng rồi đổ nước đi. Mục đích chính của bước này là để cánh trà nở ra, chiết xuất trà dễ dàng và ngon hơn.
Bước 4: Pha trà. Nước pha trà Shan tuyết chuẩn có nhiệt độ từ 80 – 95oC. Chế nước sôi vào tống, cho nhiệt độ giảm tới mức mong muốn, sau đó dùng nước này để pha trà. Đổ nước vào tống cũng là để xác định lượng nước vừa phải, hợp lý để pha.
Hãm trà từ 1-3 phút tuỳ theo sở thích uống trà vị đậm hay thanh nhẹ.
Bước 5: Rót trà và thưởng thức. Rót hết nước trà trong ấm. Khơi trà và để trà nghỉ 1 – 2 phút sau đó tiếp tục thêm nước. 5 – 10gr trà pha được 8 – 10 lần nước. Hương vị ngon nhất là từ lần thứ 3 đến lần thứ 5.
Công dụng của Trà Shan tuyết cổ thụ
Những cây trà cổ thụ tuổi đời trên 500 năm tuổi, sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên trên vùng núi cao, khí hậu lạnh giá; rễ cây trà cắm sâu xuống đất, hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và tinh hoa chắt lọc của đất trời.
Do tính kết tụ lâu năm và điều kiện sống khắc nghiệt, cộng thêm việc canh tác và chế biến tỉ mỉ, kỳ công, không hề sử dụng các chất hóa học, bởi vậy Trà Shan tuyết cổ thụ vừa mang đầy đủ tinh túy của trà tươi, lại vừa vượt trội hơn rất nhiều so với các loại trà mạn bình thường khác từ hương vị cho đến những công dụng tuyệt vời.
Trà Shan Tuyết cổ thụ nổi tiếng với hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 20 lần so với vitamin E có trong catechin. Đặc biệt hợp chất EGCG (epigallocatechin gallate) có tác dụng giúp duy trì sự tươi trẻ và giữ gìn vóc dáng trong thời gian dài.
Ngoài ra, các polyphenol trong trà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhờ khả năng làm giảm tổng lượng cholesterol nói chung và cholesterol xấu nói riêng, đồng thời cũng giảm nguy cơ mắc ung thư…
Trà Shan tuyết cổ thụ tại Điểm trà 37 Hùng Vương
Trà Shan tuyết cổ thụ tại Điểm trà 37 được nhiều người tìm đến không chỉ bởi hương vị thanh mát đặc trưng hảo hạng mà còn bởi những công dụng tuyệt vời mà loại trà này mang đến với sức khỏe. Bên cạnh đó, người ta tìm đến Trà Shan tuyết cổ thụ còn để trải nghiệm những giá trị truyền thống kết tinh trong nghệ thuật thưởng trà độc đáo chỉ có tại Điểm trà 37.
Những phẩm trà Shan tuyết hảo hạng là món quà ý nghĩa, sang trọng và tinh tế mà Điểm trà 37 gửi đến quý khách hàng. Phẩm trà gửi gắm cả tâm tư của chúng tôi với mong muốn giữ trọn vẹn những giá trị đáng quý của cây trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam và mang văn hóa thưởng trà tinh tế đến với tất cả mọi người.
Đọc thêm:
-
Hiểu về tiệc trà và các loại hình tiệc trà trên thế giới
-
Bát Đại Shan – Hương trầm rừng Trà cổ thụ
-
Trà Shan tuyết cổ thụ – Trà quà Tết tốt cho sức khỏe
-
Quà tặng trung thu ý nghĩa 2023 – Nam Quốc Nhất Phẩm Trà
-
Ăn bánh trung thu nên uống loại trà nào cho hợp?
-
Quà tết 2024, lựa chọn ý nghĩa cho người trân quý