Trên thế giới có hàng trăm loại trà khác nhau được tạo ra nhờ quy trình chế biến riêng biệt. Các loại trà thành phẩm khác nhau bởi hình dáng, hương vị và thành phần hóa học sau khi chế biến.
Không phải mọi loại trà đều trải qua 5 công đoạn: thu hái, làm héo, vò trà, oxy hóa, sao trà. Một số loại trà có thể lược bỏ một vài bước hoặc lặp đi lặp lại một bước nào đó nhiều lần.
Công đoạn quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt giữa các loại trà nằm ở quá trình oxy hóa. Đây là quá trình các enzym trong lá trà tương tác với oxy trong không khí khi các tế bào lá trà bị phá vỡ. Người làm trà có thể tác động để quá trình này diễn ra nhanh hơn như cắt, nghiền, cán… lá trà hoặc làm chậm hơn thông qua quá trình phân huỷ tự nhiên.
Quá trình oxy hoá làm thay đổi thành phần hoá học của lá trà, định hình màu sắc và hương vị của các loại trà.
Lục trà
Lục trà (hay trà xanh) là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam. Quy trình chế biến trà xanh bao gồm 4 bước: thu hái, làm héo, vò trà và sao trà. Trà xanh không trải qua quá trình oxy hóa, bởi vậy, ngay sau khi thu hái, người làm trà tiến hành nhanh công đoạn làm héo và lập tức ngăn chặn quá trình oxy hóa bằng cách sao hoặc hấp diệt men. Nhiệt độ cao làm ngừng quá trình hoạt động của các enzyme.
Bạch trà
Bạch trà hay trà trắng là loại trà thường được chế biến từ búp của những cây trà cổ thụ được trồng ở vùng có độ cao lớn. Do điều kiện nhiệt độ ở những vùng này thấp nên búp trà thường có lớp lông mao trắng. Bạch trà thu hái vào vụ xuân cho chất lượng tốt nhất.
Quy trình chế biến bạch trà trải qua 4 bước: thu hái, làm héo, ủ men thấp và làm khô tự nhiên. Bạch trà giữ lại được gần như toàn bộ sự tinh khiết của những búp trà tươi non.
Bạch trà khi pha cho sắc nước trắng, trong, hương vị thanh khiết, thơm mùi cỏ sớm, vị chát dịu, ngọt hậu sâu.
Trà ô long
Trà ô long là loại trà có công đoạn chế biến dài và đa dạng nhất. Trà Ô Long lên men thấp hay Ô Long xanh thường có độ lên men rơi vào khoảng 12-20%, Ô Long lên men cao hay Ô Long đen thì độ lên men có thể từ 40-80%.
Quy trình chế biến trà ô long được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn trà tươi và giai đoạn trà khô
- Giai đoạn trà tươi bao gồm các bước: thu hái, làm héo, vò trà, lên men, sao trà, tiếp tục vò trà, sấy sơ bộ và ủ nóng.
- Giai đoạn trà khô: vò tạo hình, sấy khô.
Trà ô long trải qua cả 5 công đoạn chế biến của trà, trong đó bước vò và oxy hoá được lặp lại nhiều lần. Sau mỗi lần vò, lá trà lại được nghỉ để oxy hoá, lặp lại nhiều lần như thế trong nhiều giờ.
Quá trình chế biến cầu kỳ giúp trà có được các tầng hương thơm và vị hết sức phong phú. Trà có vị chát rất mềm và mượt, giàu hương vị của hoa hoặc trái cây.
Hồng trà
Hồng trà hay còn gọi là trà đen phụ thuộc vào quá trình oxy hóa từ trên 80% đến 100%.
Hồng trà cũng sử dụng cả 5 bước cơ bản của quá trình làm trà, nhưng trà được để oxy hoá hoàn toàn. Các bước được thực hiện tiếp nối nhau và không lặp lại một bước nào.
Quá trình oxy hóa biến đổi thành phần hoá học của lá trà tươi, giúp tạo nên hương vị cũng như màu sắc riêng của hồng trà. Hồng trà với hương thơm đặc trưng, vị ngọt hậu, ít chát nên được rất nhiều khách sành trà ưa chuộng. Bên cạnh hương vị thượng hạng, hồng trà còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các loại trà khác
Hoàng trà
Hoàng trà hay trà vàng có công đoạn chế biến gần giống lục trà (trà xanh). Điểm khác biệt duy nhất là sau khi sao diệt men thì lá trà được chất đống và hấp nhẹ. Việc này khiến các phân tử chlorophyll (diệp lục) mất đi từ từ, giúp cho thành phần xanthophylls (màu vàng) hiện ra rõ ràng hơn. Thế nên cánh trà lẫn màu nước của hoàng trà đều có màu vàng óng.
Trà Phổ Nhĩ
Trà Phổ Nhĩ là dòng trà bánh có giá trị bậc nhất. Điểm mấu chốt để tạo nên sự khác biệt của Trà bánh Phổ Nhĩ nằm ở khâu chế biến. Sau khi làm héo và sao diệt men thì được làm khô bằng cách phơi nắng. Do được làm khô tự nhiên nên trà lại tiếp tục lên men một phần nhỏ khi phơi.
Sau khi làm khô, nếu được đóng bánh ngay và để men trong quá trình lưu trữ thì gọi là Phổ Nhĩ sống. Còn sau khi làm khô, lá trà trải qua quá trình ủ trong khoảng 30 đến 60 ngày thì có Phổ Nhĩ chín.
Quá trình lên men tự nhiên của dòng trà này rất tốn thời gian, có khi mất đến vài chục năm. Giống như rượu vang, trà bánh Phổ Nhĩ sau khi lên men đạt tiêu chuẩn thì càng để lâu, càng ngon, càng quý.
Bột trà xanh Matcha
Loại trà dạng bột đặc biệt của Nhật Bản, dùng trong các nghi thức trà đạo, nhưng trên thế giới lại được biết đến như nguyên liệu chế biến thực phẩm và pha chế. Bột trà xanh làm từ các búp trà được che râm trước khi hái, sấy chân không và nghiền nhỏ ở dạng bột mịn.
Đọc thêm:
-
Trà Shan Tuyết cổ thụ – Đặc sản hữu cơ được ví như “Vàng xanh” của Việt Nam
-
Quà tặng ý nghĩa và đẳng cấp Tết Nhâm Dần 2022
-
Những món quà tặng trung thu ý nghĩa cho người thân yêu
-
Nghệ thuật thưởng trà tinh tế trong văn hóa trà của người Việt
-
Câu chuyện về Thần Trà, Trà Kinh và ý nghĩa của bức tượng Thần Trà nổi tiếng
-
Bảo quản trà đúng cách