Trong nghệ thuật thưởng trà tinh tế, bên cạnh cảm nhận sắc nước, hương trà, vị trà, những bậc trà nhân còn thấu hiểu cả “trà khí”.
Trà khí là gì?
Khi thưởng trà, đặc biệt là thưởng thức trà ngon, ta cảm nhận được sự thư thái, dễ chịu. Tinh thần tỉnh táo, cơ thể được thả lỏng và thư giãn. Cổ nhân nói rằng đó là khi cơ thể đang dung nạp “khí” trong trà.
“Khí” ở đây là khí trong khí chất, khí tức, được hiểu là một dạng năng lượng ẩn chứa trong nước trà. Khi năng lượng này lan tỏa, nó khiến cơ thể con người cảm thấy thoải mái, tâm trạng vui vẻ và sảng khoái hơn.
Trà khí là trải nghiệm chủ quan của người thưởng trà. Tùy thuộc vào từng thể trạng, biểu hiện của trà khí cũng khác nhau.
Các tiêu chí đánh giá trà khí
Trà khí khi đạt được độ mạnh nhất định nó sẽ thúc đẩy tốc độ trao đổi chất, cảm nhận rõ nhất thông qua sự thay đổi nhiệt độ cơ thể và tinh thần người thưởng trà trở nên phấn chấn và thư thái hơn.
Yếu tố đầu tiên để đánh giá trà khí là hương trà. Hương thơm đậm đà, mạnh mẽ, lưu lại lâu tức là trà khí mạnh. Ngược lại, hương trà không đậm, dễ phai là trà khí yếu.
Bên cạnh đó, các bậc trà nhân còn đánh giá trà khí thông qua sắc nước trà, vị trà và hậu vị có bền hay không.
Ngoài ra, các yếu tố như vùng nguyên liệu, tuổi của cây trà và tuổi trà cũng là những yếu tố quyết định đến trà khí.
Những yếu tố quyết định đến trà khí
Theo quan niệm, trà càng quý, càng ngon thì trà khí càng mạnh.
Vùng nguyên liệu trồng trà là yếu tố quan trọng quyết định đến trà khí. Những cây trà sinh trưởng và phát triển tự nhiên tại các vùng đất tốt, hội tụ tinh hoa đất trời sẽ cho chất lượng trà tốt nhất.
Tuổi của cây trà là một yếu tố quan trọng khác. Cây trà càng lớn tuổi thì càng nhiều khí, bởi cây trà sống qua hàng trăm năm thì cũng ngần ấy thời gian hấp thụ tinh hoa của trời đất.
Vùng Tây Bắc nước ta có những cây trà cổ thụ, sinh trưởng và phát triển tự nhiên qua hàng trăm, mang đến dòng trà thượng hạng.
Yếu tố cuối cùng quyết định đến trà khí là tuổi của trà. Có một loại trà càng lưu trữ lâu càng thơm ngon và càng có giá trị cao là trà bánh Phổ Nhĩ. Đây là dòng trà lên men. Nhiều người cho rằng trà Phổ Nhĩ để càng lâu thì càng hấp thụ nhiều “khí” nên những bánh trà Phổ Nhĩ nhiều tuổi thường rất đắt.
Lý giải khoa học của hiện tượng trà khí
Trong trà có chứa một chất gọi là Theanine, đây là chất có tác dụng kích thích não bộ sản sinh ra dopamine tạo cảm giác tỉnh táo, thư thái và tràn đầy năng lượng.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Pakistan cũng đã từng nghiên cứu tác dụng của trà đối với bệnh béo phì, stress, trầm cảm, chứng Parkinson và một số triệu chứng khác. Họ nhận thấy rằng trà xanh có tác dụng làm tăng dopamine trong não khiến chúng ta cảm thấy vui thú và khoái lạc. Qua đó trà có tiềm năng điều trị nhiều bệnh về thần kinh như stress, trầm cảm hay mất trí nhớ.
Ngoài ra trong trà còn chứa 2 thành phần khác là Theophylline và Theobromine, các chất này cùng Caffein đều thuộc một nhóm chất gọi là Xanthines.
– Theophylline là chất giúp cơ bắp của chúng ta được thư giãn và thả lỏng. Chất này còn giúp điều hòa nhịp tim, giúp nhịp hít thở đều hơn.
– Theobromine cũng giúp điều hòa nhịp tim, điều hòa máu lưu thông và giảm huyết áp.
– Caffeine là chất phổ biến có trong trà lẫn cà phê. Làm tăng nhịp tim khiến máu lưu thông nhanh hơn, từ đó giúp tỉnh táo và nâng cao sự tập trung.
Những chất này đều có trong trà và khi uống trà, ít nhiều chúng ta đều cảm thấy những tác dụng kể trên. Trà ngon thường giàu dưỡng chất hơn vì thường được thu hoạch đúng mùa, độ cao và nhiều điều kiện tự nhiên khác. Do đó khi uống trà, đặc biệt là trà ngon như trà Shan Tuyết cổ thụ thì người uống thường cảm thấy những tác động rất riêng mà không thể tìm thấy ở những loại trà có phẩm chất kém hơn.
Đọc thêm:
-
Quà tặng trung thu – Xu hướng tặng trà Shan Tuyết cao cấp
-
Những loại trà Shan tuyết quý hiếm tặng quà Tết Quý Mão 2023
-
Phẩm trà trân quý gửi trao đến thầy cô giáo nhân ngày 20/11
-
Quà tết 2024, lựa chọn ý nghĩa cho người trân quý
-
Trà Shan Tuyết – quà Trung Thu cho đối tác đẳng cấp, ý nghĩa
-
Tiệc trà: Khi văn hóa trà Việt được phổ biến rộng rãi