Văn hóa trà Việt là một trong những điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực dân tộc. Uống trà là nét văn hóa đặc trưng, có truyền thống sâu sắc và lâu đời của người Việt Nam. Từ nông thôn cho tới thành thị, từ Bắc vào Nam, trà gắn liền với đời sống của người dân Việt từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho đến những dịp lễ, Tết, cưới hỏi…
Thật hiếm có một thứ đồ uống nào vừa dung dị, lại vừa thanh cao, mang đậm tính văn hóa nghệ thuật như trà Việt.
Văn hóa trà Việt gắn liền với lịch sử dân tộc
Văn hóa trà đã xuất hiện lâu đời trong lịch sử Việt Nam từ hình ảnh quán nước cây đa đầu làng với ấm trà xanh, phong kẹo lạc, điếu thuốc lào cho đến chén trà mời khách trong mỗi gia đình Việt. Nơi cung đình quyền quý, các bậc vua, chúa lại thưởng trà theo những cách cầu kỳ, hoa lệ. Trà cung đình được ướp hương, nước pha phải là nước sương sớm hay nước đầu nguồn. Còn ở chốn thiền môn, người ta uống trà để tĩnh tâm.
Văn hóa thưởng trà đầy tinh tế, ý nhị
Không giống như “trà kinh” của Trung Quốc hay “trà đạo” của Nhật Bản, cách thưởng trà của người Việt cũng mang nét văn hóa riêng: trước khi uống thường đưa chén trà qua mũi để thẩm hương của trà, rồi nhấp ngụm nhỏ cảm nhận vị chát đắng của trà, sau đó chuyển sang vị ngọt dịu.
Người Việt xưa có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Thứ nhất là nước dùng để pha trà, là thứ nước trong sạch tinh khiết. Thứ hai là trà ngon phụ thuộc vào loại trà, cách chọn trà và cách chế biến. Thứ ba, pha trà là cả một nghệ thuật. Thứ tư, bộ trà cụ dùng để pha trà ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trà, bao gồm bộ ấm pha trà và 4 chén quân và 1 chén tống để chuyên trà. Cuối cùng là bạn trà, là tri âm, tri kỷ, cùng thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay hàn huyên câu chuyện nhân tình thế thái.
Văn hóa trà Việt trong văn học nghệ thuật
Trà không chỉ gắn liền với cuộc sống thường ngày mà còn ngấm vào ca dao tục ngữ, thơ ca, những điệu hò dân gian trữ tình và những áng thi văn của người Việt.
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều
(Ca dao)
“Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Nhất nhật cứ như thử
Lương y bất đáo gia.”
(Nguyễn Tuân)
Thèm bấy lâu nay một ngụm trà
Ngóng người tri kỷ tận nơi xa
Hương trà xứ ấy lòng còn lắng
Dẫu có bao xuân vị chẳng nhoà
(Đăng Học)
Văn hóa trà Việt trong đời sống hiện đại
Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, cây trà vẫn gắn bó với con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thời đại, tục uống trà của người Việt đã tạo nên một bản sắc mà người ta gọi là “hồn trà Việt”.
Trong sự giao tiếp ứng xử xã hội của người Việt ngày nay vẫn dùng trà để chào mời khách đến thăm hỏi. Hay khi có dịp mọi người trong gia đình hay bạn bè thường ngồi lại với nhau quanh ấm trà nóng để cùng thưởng thức ấm trà, cùng nói, cùng cười. Ở Việt Nam, không chỉ người lớn tuổi uống trà mà giới trẻ cũng thưởng thức trà theo những cách riêng. Không khó để tìm một quán trà trên các con phố Việt Nam.
Cách người Việt uống trà rất bình dị, những câu chuyện quanh chén trà thường cũng là những câu chuyện hết sức bình dị trong cuộc sống mỗi con người. Nhưng chính sự bình dị đó đã làm nên một nét văn hóa vô cùng độc đáo. Người Việt thưởng trà, dâng trà, tặng trà; người Việt mang trà ra thế giới. Trà của người Việt có nét đặc trưng rất riêng, khó có thể lẫn với bất cứ trà một quốc gia nào trên thế giới. Ngay từ cách pha trà của người Việt cũng khác lạ: thoải mái, cởi mở, không cầu kỳ nhưng vẫn vô cùng tinh tế.
Trà Shan tuyết cổ thụ – Tôn vinh giá trị văn hóa trà Việt
Trà Shan tuyết là dòng trà cổ thụ nổi danh vùng Tây Bắc – Việt Nam và được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà Việt”. Chữ “Shan” trong phiên âm Hán Việt là “Sơn”; có nghĩa là núi. Shan tuyết là núi tuyết. Cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi vừa phải cắm sâu rễ vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây, vừa phải chống chọi với cái lạnh, với mây mù bao phủ quanh năm. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đã tạo cho Trà chất lượng hảo hạng.
Người ta tìm đến trà Shan tuyết cổ thụ như một cách để tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam. Có thể thấy, trà Shan tuyết và văn hóa trà Việt đầy tinh tế thực sự sẽ là thế mạnh để có thể thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu trà Việt trên toàn thế giới.
Đọc thêm:
-
Những món quà tặng trung thu ý nghĩa cho người thân yêu
-
Sự thật về Trà Shan tuyết cổ thụ trứ danh vùng Tây Bắc
-
Những món quà Tết ý nghĩa trao tặng người trân quý
-
Thưởng trà ngắm hoa – Thú vui tao nhã và thanh cao
-
Quà trung thu – nét đẹp văn hóa của người Việt
-
Trà túi lọc là gì? Những loại trà túi lọc ngon