Phương Đông được coi là cái nôi của cây trà và văn hóa thưởng trà tinh tế. Trà là thức uống bình dị mà vẫn muôn phần thanh cao, chứa đựng nét đẹp truyền thống sâu sắc. Không những thế, trà còn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca.
“Trà phẩm thiên địa chi thần vận
Thiền ngộ nhật nguyệt chi tinh túy”
Tạm dịch:
”Thưởng trà để cảm nhận được vận số của đất trời
Tọa thiền để giác ngộ tinh túy của thời gian”
Nói đến nghiên cứu trà học, không thể không kể đến Lục Vũ và trứ thuật “Trà Kinh” của ông. Đây là tác phẩm nổi tiếng, tạo tiền đề và truyền bá văn hóa trà tinh tế. Người xưa thờ phụng và tôn ông là “Thần Trà”.
Đôi nét về “Thần Trà” Lục Vũ
Lục Vũ (733 – 804) là học giả uyên bác đời nhà Đường, tên tự là Hồng Tiệm, người đất Cánh Lăng, Phục Châu (nay là huyện Thiên Môn, Hồ Bắc).
Tương truyền rằng, thuở nhỏ, do ông được tìm thấy dưới cánh chim nhạn nên được Hòa thượng đặt tên là Lục Vũ. Ông được nhận nuôi trong chùa, đọc sách học hành, lớn lên nuôi mộng nghệ sĩ phiêu bạt bốn phương.
Sau vài năm, nhờ được sự ái mộ của Hà Nam Thái thú Lý Tề Vật, ông được ban tặng nhiều sách thi thư và giới thiệu đến làm mạc khách cho Cảnh Lăng tư mã Thôi Quốc Phụ. Lục Vũ được Thôi Quốc Phụ chỉ giáo, huấn luyện thêm. Sau nhiều năm khắc khổ công phu, lại được danh sư chỉ điểm, học vấn của Lục Vũ nhờ đó tiến bộ nhiều, trở thành người học rộng hiểu xa. Văn chương mỹ lệ và giao du rộng rãi với các tài tử nên cũng có chút tiếng tăm đương thời, sách Toàn Đường thi cũng có chép thơ do ông sáng tác.
Theo một số ghi chép, năm 22 tuổi, Lục Vũ bắt đầu đi xuất du, nghiên cứu thực địa, khảo sát đủ mọi mặt trồng trọt, bảo duỡng, hái lá trà, nghệ thuật sao chế và thông hiểu các tập quán trà, thưởng trà ở khắp nơi cũng như sưu tầm những tư liệu về trà.
“Trà Kinh” – Bộ sách lý luận trà học đầu tiên trên thế giới
Trà Kinh của Lục Vũ được coi là cuốn chuyên khảo đầu tiên và sâu sắc về trà. Tác phẩm được chia làm ba quyển: Quyển thượng, quyển trung và quyển hạ, gồm 10 mục.
– Quyển thượng mục thứ nhất trà nguyên, luận về nguồn gốc, danh xưng, tính trạng và phẩm chất của trà. Mục thứ hai trà cụ, luận về dụng cụ hái và chế trà. Mục thứ ba trà tạo, luận về phép chế và các loại lá trà.
– Quyển trung riêng mục thứ tư trà khí, luận về dụng cụ đun uống.
– Quyển hạ mục thứ năm trà chử, luận phép đun trà. Mục thứ sáu trà ẩm, luận về tục uống trà. Mục thứ bảy trà sự, trích lục sự tích và các ghi chép cổ xưa về trà. Mục thứ tám trà xuất, luận về các nơi xuất trà đương thời và những ưu khuyết của lá trà nơi ấy. Mục thứ chín trà lược, luận về sự lược bỏ trà khí, trà cụ. Mục thứ mười trà đồ, tức đem chín mục trên chép ra lụa trắng treo lên để hiểu sâu sắc về trà.
Người đọc Trà Kinh sẽ có cảm giác như đang được ngồi đàm đạo với một bậc tiền bối bên chén trà thanh ngát hương thơm, giữa một không gian trời đất giao hòa, để rồi cảm nhận rõ cái hồn tinh túy của nghệ thuật thưởng trà phương Đông. Ẩn chứa trong đó là những chiêm nghiệm về một nền văn hóa, một nếp sống ngàn đời.
Bộ sách cũng là một món quà tinh thần đầy ý nghĩa và mang đến những điều thú vị cho bất kì ai yêu trà, quan tâm đến việc thưởng trà, dù là người mới bắt đầu hay đã gắn bó lâu năm.
Ý nghĩa của bức tượng Thần Trà nổi tiếng
“Chẳng chuộng chén bằng vàng
Chẳng ưa chén bằng bạc
Chẳng màng quan thăm hỏi
Chẳng thích chiều lên đài
Ngàn mong vạn muốn nước Tây Giang
Hướng thành Cảnh Lăng tuôn chảy đến”
Bài “Lục tiện ca” thể hiện cuộc đời ung dung tự tại, không màng danh lợi của Lục Vũ. Chính vì thế, bức tượng Thần Trà thể hiện sự an nhiên, không màng thế sự, vật chất, hướng đến cuộc sống với phong thái điềm tĩnh của Thần Trà Lục Vũ.
Bởi lý do đó, tượng Thần Trà cũng thường được sử dụng để trang trí trong không gian trà thất, tạo tiểu cảnh trong nhà hay trang trí sân vườn.
Đọc thêm:
-
Bát Đại Shan – Hương trầm rừng Trà cổ thụ
-
Khám phá không gian truyền thống tinh tế của trà thất tại Hà Nội
-
Trà Phổ Nhĩ thượng hạng và cách đánh giá trà Phổ Nhĩ ngon
-
Sự thật về Trà Shan tuyết cổ thụ trứ danh vùng Tây Bắc
-
Trà Mạn Hảo – Danh trà truyền thống của người Việt
-
Trà Shan tuyết: Từ tinh hoa trời đất đến món quà ý nghĩa trao tay